Sáng 22/8, đại diện Bộ TN-MT công bố hiện trạng môi trường



Sáng 22/8, đại diện Bộ TN-MT công bố hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế. Theo đó, kết quả phân tích môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình cũng như nghiên cứu các mẫu lấy từ 19 bãi biển trong khu vực cho thông số kết quả quan trắc đều nằm trong quy định tiêu chuẩn môi trường cho phép.


Tuy nhiên, một số khu vực cách bờ 1,5km có dòng xoáy cục bộ, trong đó có cảng Sơn Dương (Hà Tĩnh), phía Đông bãi biển Nhật Lệ (Quảng Bình), hòn Sơn Chà (Thừa Thiên - Huế) khả năng phân tán các chất trong nước kém hơn, đồng thời khả năng tích lũy độc tố trong trầm tích cao hơn cần tiếp tục được theo dõi, giám sát chặt chẽ.

So sánh mức độ giữa các địa phương, các nhà khoa học cho rằng, môi trường biển Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế có lượng phenol, xyanua thấp hơn Quảng Bình, Hà Tĩnh.



Toàn cảnh hội nghị công bố đánh giá hiện trạng môi trường biển sáng 22/8.


Các chuyên gia cả trong nước và nước ngoài đánh giá kết quả phân tích thực trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế là chính xác. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến còn băn khoăn với các nội dung của bản kết luận phân tích kết quả quan trắc.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, băn khoăn trong kết luận khi đưa ra nhận định rằng, môi trường có cơ chế tự phục hồi; cụ thể việc phục hồi sau ô nhiễm là do bay hơi, hòa tan hay phát tán vẫn chưa có sự giải thích rõ ràng?

Ngoài ra, với việc đánh giá cho rằng, ngưỡng giá trị các độc tố như phenol, xyanua theo tiêu chuẩn Việt Nam trong giới hạn cho phép, nhưng giới hạn đó là giới hạn nào, chưa trình bày rõ.

Ông Lê Minh Ngân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thắc mắc: Tại các khu vực cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương - Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300 km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (diện tích khoảng 330 km2), hòn Sơn Chà - Thừa Thiên - Huế (diện tích khoảng 160 km2), do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, dù nằm trong giới hạn cho phép, nhưng có một số thông số môi trường cao hơn so với các khu vực khác, cần tiếp tục được giám sát và quan trắc thường xuyên. Cá biển người dân đánh bắt ở trong khu vực này đã ăn được chưa? Cần có câu trả lời rõ ràng hơn để ngư dân an tâm bám biển; người dân yên tâm ăn cá, tắm biển.

Ông Ngân cũng đề nghị các bộ ngành, cần có giải pháp về mặt lâu dài bởi vì chỉ tiêu độc tố môi trường biển còn cao; đồng thời đề nghị Bộ TN-MT và UBND tỉnh Hà Tĩnh có giải pháp kiên quyết quản lý, giám sát Formosa trong quá trình hoạt động sắp tới, không để xảy ra sự cố tương tự.



PGS.TS Nguyễn Văn Hợp cho rằng, cần làm rõ, xác định hàm lượng các chất trong thủy hải sản đã giảm như thế nào.


PGS.TS Nguyễn Văn Hợp (ĐH Khoa học Huế) cho rằng: “Kết luận cho biết độc tố trong thủy hải sản giảm dần theo thời gian. Nó giảm, nhưng giảm đến mức nào rồi? Các độc tố so với các vùng không bị ô nhiễm ra sao? Tất cả cần phải làm rõ chứ không thể nói giảm chung chung. Cần có kết luận rõ ràng hơn, cần xác định hàm lượng các chất trong thủy hải sản đang giảm theo thời gian, cụ thể là bao lâu?”.

Trả lời câu hỏi thủy hải sản đã an toàn chưa, đại diện Bộ Y tế cho hay, sau khi có sự cố xảy ra, bộ đã phối hợp với Bộ NN-PTNT lấy mẫu phân tích. Kết quả bước đầu cho thấy rằng, các mẫu lấy từ tháng 6 lại đây, các chất ô nhiễm giảm dần. Tuy nhiên, khi nào có kết luận cuối cùng, bộ sẽ thống nhất với Bộ NN-PTNT để có thông báo cụ thể.

“Sau khi Bộ TN-MT công bố vùng biển an toàn, chúng tôi sẽ cùng với Bộ NN-PTNT giám sát. Khi nào có kết quả chắc chắn, chúng tôi sẽ phối hợp để công bố ngay”, đại diện Bộ Y tế nói thêm.

Related

Tin Tức 7947799083398954132

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Tin Mới

item